Kiến thức
Khám Phá Cây Tràm Trà
Cây Tràm Trà có tên khoa học Melaleuca alternifolia thuộc “Chi Tràm” trong họ “Đào kim nương”, từ lâu đã được biết đến như một "biểu tượng sức khỏe từ thiên nhiên" với vô vàn công dụng hữu ích. Bài viết này sẽ đưa bạn vào hành trình khám phá loài cây quý giá này, từ nguồn gốc, đặc điểm, huyền thoại gắn liền, cho đến sự ra đời tên gọi "Tràm trà" và những công dụng tuyệt vời mà nó mang lại.
1. Khám phá họ thực vật Đào kim nương
Họ Đào kim nương là một họ thực vật thuộc bộ Đào kim nương hay bộ Sim (theo tên gọi của chi Rhodomyrtus), còn gọi là bộ Hương Đào (theo chi Myrtus), (danh pháp khoa học: Myrtales). Bộ Myrtales chiếm khoảng 6% sự đa dạng trong thực vật hai lá mầm thật sự phần lõi. Các hóa thạch được coi là của bộ này có niên đại khoảng 65 triệu năm trước (Crepet và ctv., 2004).
Cây hương đào (Myrtus communis).
Theo APG II thì bộ Đào kim nương chứa 11 họ với 380 chi và trên 11.000 loài. Theo APG III công nhận 9 họ. Các họ sau là điển hình trong các phân loại mới nhất: Alzateaceae, Combretaceae, Crypteroniaceae, Heteropyxidaceae (APG II coi là một phần của Myrtaceae), Lythraceae (họ trân châu, thiên khuất), Melastomataceae (Họ Mua), Memecylaceae, Myrtaceae (họ Đào kim nương, sim), Oliniaceae, Onagraceae (họ anh thảo chiều), Penaeaceae, Psiloxylaceae (APG II coi là một phần của Myrtaceae), Rhynchocalycaceae, Vochysiaceae.
Đặc điểm của họ Đào kim nương (Họ Sim):
- Thân gỗ, chứa tinh dầu và hoa mọc thành cụm từ 4-5 hoa đơn.
- Đặc trưng nổi bật của họ này là li be nằm ở cả hai bên của xylem (chất gỗ), chứ không ở bên ngoài như ở phần lớn các loài thực vật khác.
- Lá thường xanh, mọc so le hay mọc đối, lá đơn và thông thường có mép lá nhẵn (không khía răng cưa).
- Hoa thường có 5 cánh hoa, mặc dù ở một vài chi thì cánh hoa rất nhỏ hay không có. Nhị hoa thường rất dễ thấy, có màu sáng và nhiều về lượng.
Sự đa dạng về loài:
Họ Đào kim nương (Myrtaceae) có ít nhất 3.000 loài, phân bổ trong 130-150 chi. Chúng phân bổ rộng khắp ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm áp trên thế giới, và nói chung rất phổ biến trong nhiều khu vực đa dạng sinh học của thế giới. Trung tâm đa dạng sinh học của họ nằm ở Úc, Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Hệ thống APG III năm 2009 công nhận 131 chi và khoảng 4.620 loài cho họ này.
Trong lịch sử, họ Myrtaceae đã từng được chia thành hai phân họ.
- Phân họ Myrtoideae có quả nhiều cùi thịt và lá đối, mép trơn.
- Phân họ Leptospermoideae có quả khô, không nứt (quả nang) và các lá mọc so le hay theo vòng xoắn.
Họ Đào kim nương là một họ thực vật đa dạng và phong phú, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và đời sống con người. Việc tìm hiểu và bảo vệ họ này là vô cùng cần thiết để gìn giữ sự đa dạng sinh học của Trái Đất.
2. Tìm hiểu Chi Tràm (Melaleuca)
Chi Tràm (danh pháp khoa học: Melaleuca) là một chi thực vật có hoa trong họ Đào kim nương (Myrtaceae), có nguồn gốc từ Úc và các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới khác trên thế giới
Đặc điểm của Chi Tràm:
- Cây bụi hoặc cây thân gỗ, cao tới 2–30 m, lớp vỏ cây dễ tróc.
- Lá thường xanh, mọc so le, hình trứng hay mũi mác, dài 1–25 cm và rộng 0,5–7 cm, mép lá nhẵn, màu xanh lục sẫm hay xanh xám.
- Hoa mọc thành cụm dày đặc dọc theo thân, mỗi hoa với các cánh hoa nhỏ và một chùm nhị mọc dày dặc; màu hoa từ trắng tới hồng, đỏ, vàng nhạt hay ánh lục.
- Quả là dạng quả nang nhỏ chứa nhiều hạt nhỏ.
Chi Melaleuca có quan hệ họ hàng gần với chi Callistemon, khác biệt chính giữa hai chi là các nhị hoa nói chung rời ở Callistemon nhưng mọc thành chùm ở Melaleuca.
>>> Xem thêm:
Sự đa dạng về loài:
Chi Tràm (Melaleuca) theo các ước tính khác nhau chi này chứa 220-236 loài, tất cả đều có mặt tại Úc với phần lớn các loài (khoảng 230) là đặc hữu của Úc, các loài còn lại có ở Malaysia, Indonesia, New Guinea, quần đảo Solomon và Nouvelle-Calédonie.
Trong tự nhiên, các loài Melaleuca nói chung được tìm thấy trong các rừng thưa, rừng gỗ hay vùng đất có cây bụi, cụ thể là dọc theo các dòng suối và rìa các đầm lầy.
Một loài tràm khá nổi tiếng là cây tràm trà (Melaleuca alternifolia).
3. Cây tràm trà
Nguồn gốc của cây tràm trà
Cây tràm trà là loại cây bắt nguồn từ nước Úc, đặc biệt phổ biến ở New South Wales và Queensland, thuộc họ Đào kim nương, với tên khoa học là Melaleuca alternifolia. Tên khoa học "Melaleuca alternifolia" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp và tiếng Latin: "Melaleuca" (Tràm) là kết hợp từ "melamelas" (đen) và "leukos" (trắng) ám chỉ thân cây màu đen đặc trưng và cành non màu trắng, "Alternifolia": trong tiếng Latin nghĩa là "lá mọc so le".
Đặc điểm cây tràm trà
- Cây tràm trà có thể cao từ 2 đến 30 mét.
- Lá có màu xanh lục sẫm hoặc xám, hình trứng hoặc hình mác, dài 1-25 cm và rộng 0,5-7 cm.
- Hoa tràm trà có nhiều màu: trắng, hồng, vàng nhạt hoặc ánh lục, mọc thành cụm dày dọc theo thân cây.
- Quả tràm trà nhỏ dạng nang, chứa nhiều hạt.
Cây tràm trà (Melaleuca alternifolia).
Huyền thoại về cây tràm trà
Cây tràm trà có vị trí quan trọng trong đời sống của thổ dân Úc, đặc biệt là người dân Bundjalung. Theo người Bundjalung, cây tràm trà gắn liền với huyền thoại về Công chúa Eelemani. Công chúa Eelemani được các vị thần ban thưởng những hạt giống đặc biệt để gieo dọc theo con đường mòn, giúp cô tìm đường về nhà. Những hạt giống gieo xuống phát triển lập tức, tìm kiếm ánh sáng mặt trời. Ban đêm, vỏ cây phản chiếu ánh trăng, đánh dấu dấu vết, giúp bảo vệ và dẫn đường cho Eelemani. Theo thời gian người Bundjalung phát hiện ra rằng cây này có thể chữa trị bệnh về da.
Sự ra đời của tên gọi “tràm trà”
Thuyền trưởng James Cook được xem là người đã đặt tên cho cây tràm trà. Năm 1770, thuyền trưởng James Cook sau khi quan sát người dân Bundjalung sử dụng lá cây tràm trà chữa bệnh các bệnh. James Cook đã được các thổ dân chia sẻ về các tính năng chữa bệnh của lá cây tràm trà. Sau khi các bác sĩ kiểm tra và khẳng định trong lá cây tràm trà (Melaleuca alternifolia) có chất kháng khuẩn tự nhiên, James Cook và thủy thủ đoàn đã nấu lá cây tràm trà để uống nhằm phòng ngừa bệnh lạ. Khi nấu lá cây lên James Cook ngửi thấy mùi thơm thật đặc biệt, từ đó ông gọi Melaleuca alternifolia là Tea Tree – tức là cây Trà (cây tràm trà).
Công dụng:
- Theo dân gian và người bản địa, cây tràm trà có nhiều tác dụng như: ngừa cảm lạnh, ho, trị đau bụng.
- Nghiên cứu khoa học cho thấy cây tràm trà còn có khả năng:
- Kháng khuẩn tại chỗ: trị mụn trứng cá, ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Trị ho, viêm xoang, bệnh nấm và một số bệnh ngoài da
Cây tràm trà cổ thụ nở hoa.
4. Lịch sử phát triển Tinh Dầu Tràm Trà.
Việc sản xuất Tinh Dầu Tràm Trà thương mại bắt đầu vào những năm 1920 sau khi nhà hóa học Arthur Penfold nghiên cứu đặc tính của nó. Penfold phát hiện ra rằng Tinh Dầu Tràm Trà mạnh hơn 13 lần so với axit carbolic, một chất khử trùng thường được sử dụng vào những năm 20.
Trong Thế chiến II, cây tràm trà được sử dụng như thuốc phổ biến trong quân đội Úc. Sau Thế chiến II, sự quan tâm đến cây tràm trà giảm sút do sự phát triển của thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, đến những năm 1970, nhu cầu về các sản phẩm tự nhiên tăng cao, dẫn đến sự bùng nổ sản xuất Tinh Dầu Tràm Trà thương mại quy mô lớn.
Tinh Dầu Tràm Trà
Tinh Dầu Tràm Trà nổi tiếng nhờ khả năng kháng viêm, kháng virus mạnh mẽ. Ngoài ra, tinh dầu còn mang mùi hương thảo mộc tươi mát và khả năng thanh lọc không khí nổi bật.
Xem chi tiếtAyurveda (một hệ thống y học Hindu truyền thống có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ) coi Tinh Dầu Tràm Trà có tính làm mát, giữ ẩm và cân bằng ba loại dosha, có lợi cho da, hệ hô hấp và hệ thần kinh.
Ngày nay, việc chiết xuất Tinh Dầu Tràm Trà cũng ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi trong việc sản xuất kem đánh răng, mỹ phẩm, sữa tắm, các loại dầu bôi ngoài da... Cây tràm trà là một món quà quý giá từ thiên nhiên với nhiều đặc tính y dược và giá trị sử dụng cao. Tinh Dầu Tràm Trà ngày càng khẳng định vị trí của mình như một sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp được tin dùng trên toàn thế giới.
*Nguồn tham khảo:
- https://www.saje.com/en-io/blogs/ingredient-garden/tea-tree
- https://ultranl.com/australian-tea-tree-oil-story/
- https://maloby.vn/tin-tuc/tat-tan-tat-ve-nguon-goc-cua-cay-tram-tra
- https://aromagarden.net/lich-su-tinh-dau-tram-tra/
- https://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=edir&v=Myrtales&list=ordines
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Tr%C3%A0m
- https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8D_%C4%90%C3%A0o_kim_n%C6%B0%C6%A1ng